Đời cơ bản là buồn. Phàm, những việc theo ý mình thì ít mà những việc không như ý thì nhiều nên cơ bản người ta buồn nhiều hơn vui.
Yêu, yêu đơn phương cũng buồn. Khi yêu nhau, cãi nhau, chia tay cũng buồn. Yêu nhau mà không lấy được nhau cũng buồn. Lấy nhau rồi phát hiện ra không hợp nhau cũng buồn.
Việc. Làm việc không đúng ngành nghề (>70%) cũng buồn. Làm việc nhiều năm mà không có đam mê cũng buồn. Sếp mắng, buồn. Lương thấp, buồn. Xích mích đồng nghiệp, buồn. Sự nghiệp không thăng tiến, buồn. Làm ăn thất bát, buồn. Đầu tư thua lỗ, buồn.
Học. Học không giỏi, buồn. Thầy cô phê bình, buồn. Bạn bè chơi không hợp, buồn. Thi điểm không cao, buồn.
Nhân tình thế thái, thấy việc thiên hạ cũng buồn, nghe hàng xóm cãi nhau cũng buồn, mở điện thoại lên đọc tin xấu cũng thấy buồn.
Nên cơ bản, bao vây con người trong 24h thì quá nửa thời gian là buồn.
Và âm nhạc, cũng hầu hết là buồn (thì người ta mới nghe).
Hôm trước, ngồi 1 mình bốc thuốc, tôi chợt nhận ra, lâu lắm rồi mình không nghe nhạc. Thế là mở youtube và bật loa hết cỡ lên để thưởng thức. Lướt những bài hát đang thịnh hành trong giới trẻ thì phát hiện hầu hết đều là các bài hát thất tình với số lượng xem khủng khiếp. Nghe hết 1 loạt thì tâm trạng đi xuống, vì ai cũng vậy, bị bài hát ấy thôi miên vào cái tâm trạng ấy. Biết vậy nên tôi né luôn các bài hát sến sẩm để nhảy qua bên Âu Mỹ xem có gì hay ho để nghe. Tuy nghe không hiểu mấy nhưng qua cái bập bõm tiếng Anh cùng video diễn tả bài hát, cũng hiểu ra rằng bài hát của Tư bản cũng buồn không kém, buồn vu vơ có mà buồn sâu sắc có. Nghe một hồi thì tâm trạng còn tệ hơn lúc trước.
Tôi chợt nghĩ, vậy là cả thế giới đang đắm chìm trong âm nhạc buồn. Nếu đang buồn mà nghe nhạc buồn thì khỏi nói, nhưng nếu tâm trạng không buồn mà nghe nhạc buồn thì rõ ràng bị kéo cảm xúc xuống cho bằng buồn thì thôi. Vậy là những ai đang cần thoát ra những u uất của cuộc sống sẽ cần 1 thể loại nhạc khác, hoặc những ai đang bình bình về cảm xúc thì có thể nhờ âm nhạc mà đẩy cảm xúc lên. Tôi tìm thử. Nhạc thiếu nhi. Đúng rồi, thể loại ngây thơ này, ai mà đi sáng tác về thất tình hay buồn bã chán đời. Nghe một hồi thấy tâm trạng cũng lên. Nhưng ngôn từ thì không đủ sâu cho một gã trai đã đầu 3. Câu hỏi tiếp theo: còn gì nữa không. Câu trả lời là còn. Thể loại mà dân mình gọi là nhạc đỏ, nhạc cách mạng. Hà hà. Toàn những là hình ảnh người chiến sĩ đi đánh nhau với tình yêu quê nhà, yêu đất nước, người yêu người thương ở nhà. Tuy không hợp hoàn cảnh bây giờ mà tâm trạng lên vù vù. Hay thật.
Ngó thử qua bên Âu Mỹ, thấy cũng có những bài hát tích cực như thế, không buồn tí nào luôn, bài hát vừa hay mà lại tốt cho tinh thần. Ấy là thức ăn tốt cho tâm hồn. Vậy mà xưa nay mình cứ nhập vào đầu những bài hát buồn rầu sầu đời, chả trách mà cứ nghe nhạc thì buồn đến thế. Người ta thất tình, mình chả thất tình cũng buồn. Đến là lạ.
Bài hát tích cực, nói theo ngôn ngữ của NLP thì là cái neo cảm xúc, hay tạm mượn cái cảm xúc từ bên ngoài để đồng hoá cảm xúc của mình. Thứ mình nhìn thấy, nghe thấy hàng ngày là input, là đầu vào thì sẽ có những thứ đầu ra - output tương ứng. Gieo hạt lúa thì không thể mong gặt hạt đỗ được.
Tôi viết bài này không phải để tẩy chay những bài hát buồn, vì tôi từng là tín đồ của Bolero, từng đắm mình trong những seri bài hát buồn của Cao Thái Sơn, của Trung Quân Idol, của Adele và nhiều ca sỹ khác. Bài viết này tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng, nếu muốn có những tư duy tích cực và năng lượng sống hừng hực, chúng ta phải nạp vào đầu những bài hát tích cực. Âm nhạc thay đổi cảm xúc con người rất nhanh. Nó không chỉ tác động vào tai của ta, qua lời bài hát, qua cách kể chuyện mà giai điệu còn tác động vào sóng não con người, rất nhanh chóng quyết định tâm trạng của mỗi người.
Người ta đã làm các thí nghiệm khoa học thấy việc nghe nhạc vào những giai đoạn cuộc đời, sau này nghe lại sẽ có tác dụng gợi lại ký ức, giống như Pavlov làm thí nghiệm, như 1 anh chàng nhổ răng nghe 1 bài hát, trải nghiệm không mấy vui vẻ đến mức sau này mỗi khi nghe lại bài hát đó, anh ta thấy rùng mình vì những ký ức của ca nhổ răng ùa về.
Chốt lại, nếu muốn một ngày nhiều năng lượng, không thể nạp vào đầu những bài hát buồn. Những người mà ta thấy luôn tràn trề năng lượng để sống, để cống hiến, để kinh doanh, để làm hết mình, họ không dành cả ngày để nghe những bài hát não nề về chia ly, thất vọng hay phản bội, nếu có thì chỉ 15 phút trầm ngâm ngồi cà phê hay hút thuốc, nhìn xa xăm rồi lại phải dứt ra và lao vào cuộc sống với những dự định đã vạch sẵn trong bản kế hoạch công việc trong ngày.
Chúng ta đang bị bủa vây bởi những bài hát nghe rất vào tai, với những giai điệu, câu từ đánh trúng những lúc năng lượng thấp, cảm xúc xấu và chúng ta duy trì nó như 1 người dùng rượu để giải sầu cả ngày (mượn rượu giải sầu nhưng lạm dụng cả ngày thì sầu hơn là đúng rồi) hay giải trí cả ngày bằng việc chơi game (thì lại biến giải trí - đáng lẽ chỉ dùng ít phút cho khuây khoả thành việc mệt muốn chết). Muốn thoát ra khỏi những mạng lưới này, hãy có cho mình 1 danh sách những bài hát tích cực để giữ cho tâm trạng của ta luôn vui vẻ, tràn đầy năng lượng sống, và năng lượng ấy sẽ lan toả đến những người mà ta tiếp xúc, những người thân trong gia đình chúng ta, những người trong nhóm của chúng ta và thậm chí cả đối tác làm ăn của ta.
Chia sẻ bài viết:
Severity: Notice
Message: Undefined offset: 1
Filename: includes/right.php
Line Number: 187